Thời Đường Văn Tông Ngưu-Lý đảng tranh

Trước sự biến Cam Lộ

Năm 826, Đường Kính Tông bị hoạn quan Lưu Khắc Minh giết hại, bọn Khắc Minh sau đó muốn đưa Giáng vương Lý Ngộ, con thứ của Đường Hiến Tông, lên làm đế, và mưu loại bỏ các hoạn quan khác. Phe Vương Thủ Trừng biết tin liền đánh vào cung, giết Khắc Minh cùng với Giáng vương, đưa Giang vương Lý Hàm là em của Kính Tông lên chính vị, đổi tên là Ngang, tức là Đường Văn Tông[7][17].

Những năm đầu Đường Văn Tông, Bùi ĐộVi Xử Hậu là hai vị tể tướng đứng đầu. Năm 828, Vi Xử Hậu chết, Học sĩ viện Hàn lâm Lộ Tùy lên thay[7]. Năm 829, Hoàng đế được sự tiến cử của Bùi Độ đã triệu Lý Đức Dụ về triều, phong làm Thị lang bộ Binh, và còn có ý cất nhắc lên chức Bình chương sự (tể tướng). Tuy nhiên Lý Tông Mẫn khi đó đang làm Thị lang bộ Lại, vì khéo léo lấy lòng bọn hoạn quan, nên đã hớt tay trên, giành được chức tể tướng[18]. Năm 830, ông ta lại tiến cử Ngưu Tăng Nhụ về triều cùng đảm nhận tướng vị. Hai người này hợp tác với nhau để đẩy Lý Đức Dụ khỏi triều, và loại bỏ luôn cả Bùi Độ. Kết quả, Bùi Độ bị biếm làm Tiết độ sứ Sơn Nam Đông Đạo[19] còn Lý Đức Dụ bị đày ra Nghĩa Thành, sau đó là Tây Xuyên[20][21][22].

Vùng đất trấn nhậm mới Lý Đức Dụ giáp với hai nước Nam Chiếu, Thổ Phiên, vì thế ông ta chăm chỉ xây dựng thành trì và đào tạo lính mới. Năm 831, tướng Phiên là Tất Đát Mưu đem đất Duy châu[23] (mà Thổ Phiên đã chiếm của nhà Đường hơn 10 năm trước) dâng cho Lý Đức Dụ. Đức Dụ nhận làm, và có ý xây dựng Duy châu thành một pháo đài chống cự với Thổ Phiên. Ngưu Tăng Nhụ phản đối, lập luận rằng làm như vậy là đơn phương phá vỡ hòa ước với người Thổ, và nếu chiến tranh xảy ra, người Thổ có thể rất nhanh mà áp sát Trường An. Vì thế Văn Tông buộc Đức Dụ trả đất cho Tán phổ của Thổ Phiên. Sau đó, Tất Đát Mưu bị người Thổ Phiên giết hại một cách tàn khốc. Việc này khiến Lý Đức Dụ rất tức giận[18].

Uy tín của Ngưu Tăng Nhụ sau sự việc lần đó sụt giảm hẳn, và Văn Tông dần hối tiếc vì quyết định ngày xưa, nên cũng xa lánh Tăng Nhụ. Hoàng đế thường hỏi các tể tướng rằng khi nào đất nước mới có thể thái bình, trong hoàn cảnh các phiên trấn hay nổi loạn và hoạn quan lộng quyền, Tăng Nhụ cảm thấy rằng điều đó khó có thể đạt được trong thời gian ngắn, và Văn Tông đã qua hấp tấp. Mùa xuân năm 833, Ngưu Tăng Nhụ bị đẩy làm Tiết độ sứ Hoài Nam[22][24]. Vụ việc của Tất Đát Mưu cho đến nay vẫn là một vấn đề gây tranh cãi giữa các sử gia nghiên cứu về nhà Đường, về việc liệu rằng Ngưu và Lý, ý kiến của ai mới là đúng đắn[25].

Lý Đức Dụ sau đó được triệu hồi về Trường An làm Thượng thư bộ Binh, và người ta hi vọng ông ta sẽ trở thành tể tướng, dù cho Lý Tông Mẫn cực lực phản đối. Cộng sự của Tông Mẫn là Đỗ Tông đang giữ chức Kinh Triệu doãn, đề nghị hai bên hòa giải với nhau, Tông cho rằng mâu thuẫn với hai phe chủ yếu là từ xuất thân khác nhau giữa họ (khoa cử và sĩ tộc). Đỗ Tông bày với Tông Mẫn để Đức Dụ làm chủ khảo khoa cử tiếp theo để thỏa lòng tự ái của ông ta, nhưng Tông Mẫn không chịu, và hỏi kế thứ hai, Đỗ Tông bảo rằng nên để Đức Dụ làm Ngự sử đại phu. Tông Mẫn lần này chấp nhận, cử Đỗ Tông đến gặp Lý Đức Dụ truyền đạt việc này, Lý Đức Dụ cũng đồng ý giải hòa. Tuy nhiên sau đó Tông Mẫn hỏi ý một cộng sự khác là Dương Ngu Khanh thì Ngu Khanh đã phản đối, do vậy Tông Mẫn đã không đề bạt Đức Dụ làm Ngự sử đại phu[22].

Trong khi đó, Dương Ngu Khanh, Dương Nhữ Sĩ, Dương Hán Công, Trương Nguyên PhuTiêu Cán bị Hoàng đế Văn Tông nhận định là kết bè đảng, qua lại quá thân mật. Năm 833, sau khi được đề bạt làm tể tướng, Lý Đức Dụ bắt đầu loại bỏ bè đảng phe Ngưu. Đáp lại, Lý Tông Mẫn cũng cách chức đồng đảng của Lý Đức Dụ là Trịnh Đàm, Học sĩ viện Hàn lâm, nhưng nhà vua ngay sau đó đã bổ dụng Trịnh Đàm làm Ngự sử đại phu mà không hỏi qua Lý Tông Mẫn. Tông Mẫn lo lắng và sợ hãi; cuối cùng ông ta bị Văn Tông đày làm Tiết độ sứ Sơn Nam Tây Đạo[26].

Lúc này Văn Tông đang trở nên thân thiết với một quan ngự y do Vương Thủ Trừng tiến cử, Trịnh Chú[22]. Nhờ sự tiến cử của Trịnh Chú mà Lý Trọng Ngôn, một quan chức đã phạm tội bị đày, được gọi trở về và trở thành thân tín của đế. Hai người này ra sức chia rẽ Văn Tông với Lý Đức Dụ, và lại gọi Lý Tông Mẫn trở về triều, đày Lý Đức Dụ ra Thiểm Tây. Lý Đức Dụ vào gặp Văn Tông và xin ở lại kinh, Văn Tông mủi lòng và định giữ Đức Dụ làm Thượng thư bộ Binh lần nữa. Tuy nhiên Lý Tông Mẫn phản đối rằng Đức Dụ không có quyền tự mình quyết định đi hay ở, và buộc nhà vua đày ông ta ra làm Tiết độ sứ Trấn Hải[27][28].

Năm 835, các viên quan gồm Vương PhanLý Hán tố cáo Lý Đức Dụ ủ mưu lật đổ Văn Tông để lập Hoàng đệ là Chương vương Thấu lên ngôi. Văn Tông nghe theo lời gièm, triệu tập các đại thần để xử tội Đức Dụ. Tể tướng Lộ Tùy bảo vệ cho Đức Dụ, nên Đức Dụ thoát tội tử, đày ra Viên châu[29]. Về phần Lộ Tùy vì làm trái ý vua, bị đàn hặc đày ra Trấn Hải, không được phép chào từ biệt đức vua. Ngay sau đó, thân tín của Trịnh ChúGiả Tốc lên thay tướng vị[28].

Trong khi đó ở Trường An có tin đồn rằng Trịnh Chú đang chế thuốc trường sinh cho Hoàng đế, mà nguyên liệu là tim và gan của trẻ sơ sinh. Điều này khiến cả thành Trường An khiếp sợ, và Trịnh Chú vốn ganh ghét Dương Ngu Khanh, đã buộc tội Ngu Khanh và gia đình ông ta lan truyền tin đồn. Sau đó Ngu Khanh bị nhốt vào nhà giam, Lý Tông Mẫn biện hộ cho ông ta làm động chạm tới long nhan, và bị Hoàng đế mắng đuổi khỏi cung điện. Sau đó ông này bị đày ra Minh châu[30]. Trịnh Chú còn gièm pha rằng Tông Mẫn móc nối với Thái giám Dương Thừa Hòa và Nữ quan Tống Nhược Hiến mới có được chức tể tướng, Tông Mẫn tiếp tục bị đày ra Triều châu[31]. Từ thời điểm này, Trịnh ChúLý Trọng Ngôn (sau đổi tên Lý Huấn) kiểm soát chính phủ, và quy chụp tất cả những người mà họ không ưa vào phe đảng của 2 Lý (Đức Dụ, Tông Mẫn). Trong khoảng thời gian đó, cả Ngưu và Lý đều thất thế, quyền hành rơi vào tay Trịnh Chú cùng Lý Huấn. Tình hình này kéo dài đến khi Sự biến Cam Lộ xảy ra[28].

Sau sự biến Cam Lộ

Trong lúc đó, Hoàng đế Văn Tông cảm thấy bực bội với việc các hoạn quan trong quân đội Thần Sách thao túng quá nhiều quyền lực, nên âm thầm bàn với Lý Huấn, Trịnh Chú và một số người khác mưu trừ hoạn quan. Mùa đông năm 835, Trịnh Chú được cử tới Phượng Tường[32] với mục đích chuẩn bị quân đội tiến vào cung diệt hoạn quan[28]. Còn Lý Huấn muốn chiếm lấy tiện nghi nên quyết định ra tay trước vào ngày 14 tháng 12 năm đó[33]. Các hoạn quan đứng đầu là Cừu Sĩ LươngNgưu Hoằng Chí đã đánh bại được quân của Lý Huấn rồi tiến hành tàn sát rất nhiều quan lại trong triều, kể cả những người liên quan hay không liên quan, bao gồm Vương Nhai, Giả Tốc, Thư Nguyên Dư, Vương Phan, La Lập Ngôn, Quách Hành Dư, Lý Hiếu Bổn...[28] Sau vụ đó Đường Văn Tông bị đặt dưới sự kiểm soát của hoạn quan, sử gọi là Sự biến Cam Lộ[34][35][36].

Sau đó, Lý ThạchTrịnh Đàm trở thành hai tể tướng mới, trong khi hầu hết quyền hành rơi vào tay hoạn quan. Mùa xuân năm 836, Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa[37]Lưu Tòng Gián dâng sớ tố cáo Cừu Sĩ Lương và các hoạn quan khác hiếp bức thiên tử, giết chết tể thần. Sĩ Lương lo sợ, nên đồng ý cho Văn Tông cùng các tể tướng có thể quyết định một số việc lớn trong triều. Lý Tông MẫnLý Đức Dụ cũng được chuyển về các trấn ở gần kinh thành hơn[28].

Cừu Sĩ Lương nhận thấy Lý Thạch có ý giành quyền hành, nên mật phái sát thủ giết ông ta năm 838. Vụ ám sát bất thành, nhưng Lý Thạch cũng vì sợ hãi mà xin giải chức đến làm Tiết độ sứ Kinh Nam[38][39]. Dương Tự PhúcLý Giác - những người được xếp vào đảng Ngưu[40] - trở thành hai tể tướng mới. Dương Tự Phục tìm cách đưa Lý Tông Mẫn trở về triều, thì bị sự phản đối của hai tể tướng phe Lý là Trần Di HànhTrịnh Đàm, và bắt đầu từ đó những cuộc tranh cãi trong triều đến có dính tới vụ bè pháp này. Vào giữa năm 839, sau một vụ cãi nhau nảy lửa giữa hai bên, Dương Tự Phục xin từ nhiệm; nhưng quyết định của nhà vua thì ngược lại, người bị bãi chức là Trịnh Đàm và Trần Di Hành[39]. Văn Tông có lần từng than thở trước vụ bè đảng này[41]:

Diệt giặc ở Hà Bắc thì dễ, chứ diệt bằng đảng trong triều thì khó.

Cuối năm đó, Văn Tông bị bệnh nặng, vợ ông là Dương Hiền phi đề nghị lập Hoàng đệ An vương Lý Dung làm Thái đệ kế thừa ngôi vị. Dương Tự Phục là họ hàng với Hiền phi cũng tán thành đề nghị này. Tuy nhiên Lý Giác phản đối. Sau cùng, Hoàng đế quyết định lập con của Kính Tông là Trần vương Lý Thành Mĩ làm Thái tử. Đầu năm 840, bệnh của Văn Tông trở nặng, Cừu Sĩ LươngNgưu Hoằng Chí muốn độc chiếm triều đình qua việc kiểm soát người nối ngôi, bèn giả mệnh lệnh Văn Tông, lấy cớ Thái tử còn nhỏ, triệu hoàng đệ Dĩnh vương Lý Triền vào cung lập làm Hoàng thái đệ, giáng Thành Mĩ xuống tước vị vương. Ngày 10 tháng 2, Văn Tông băng hà, Dĩnh vương Triền bèn ép chết Trần vương Thành Mĩ, Yên vương Dung và Dương Hiền phi; lại trục xuất hết nhạc công và nội thị gần gũi với Văn Tông. Dĩnh vương sau đó tức vị, tức là Đường Vũ Tông[39][36].

Liên quan